Sáng hôm sau, Minh Tuyền và Trúc Phương làm thủ tục trả phòng. Họ chất hết hành lý lên chiếc xe canavan vừa thuê. Sau khi sắp xếp mọi thứ ổn thoả, họ quay trở lại sảnh chính nói chuyện với cô lễ tân.

“Chị đẹp ơi, tối qua chị nói với bọn em ở khách sạn mình cũng có một nhóm du khách hôm nay khởi hành đi tới công viên quốc gia Gorkhi Terelj. Nhóm đó ở phòng mấy vậy chị?”

Minh Tuyền đứng bên cảm thấy nổi da gà. Mỗi khi Trúc Phương “mở tín hiệu giao lưu” là y như rằng chuyển hệ sang bánh bèo trong một cái chớp mắt. Gương mặt bình thường không dễ ăn thua, nhưng chỉ cần nở nụ cười, nâng tông giọng, đôi mắt chớp chớp sau cặp kính cận là có thể lấy được lòng người khác ngay lập tức.

“Chị không cho em số phòng được. Nhưng mà bình thường chị thấy họ rời khách sạn lúc chín giờ. Bây giờ chắc cũng sắp xuống rồi. Hay là em ngồi ở đại sảnh chờ một chút?”

Cô tiếp tân lịch sự trả lời, mắt vẫn hướng về màn hình vi tính, có vẻ đang bận.

Cả hai gật đầu tìm một chiếc ghế sô pha giữa sảnh ngồi đợi, bàn bạc xem cần mua gì trong thành phố nữa không.

Nửa tiếng sau, Trúc Phương đứng dậy, định hỏi chị tiếp viên số điện thoại phòng của nhóm du khách. Chưa biết chừng hôm qua họ không ngủ ở khách sạn.

“Chào buổi sáng Tarkhan, hôm nay xuất phát muộn thế?”

Chị cất giọng vui mừng, nhìn về một nhóm người đang bước ra từ thang máy. Trúc Phương quay đầu lại, một tiếng ầm nổ lên trong đầu cô.

“Chị… nhóm du khách chị nói…” Trúc Phương liếc mắt về phía chàng trai và nhóm bạn của anh ta.

“Ừ, nhóm của Tarkhan đó. Tarkhan là người Mông Cổ, đi chung với nhóm ảnh, bọn em yên tâm.”

Nhóm Tarkhan mà chị ta nói gồm anh ta, một người nước ngoài trạc bốn mươi tuổi, hai nam, hai nữ trạc hai mươi mấy. Bốn cô cậu kia trông rất trẻ, mặc đồ thời thượng, ra vẻ con nhà giàu. Vừa nhìn thấy Trúc Phương cả nhóm đã xì xầm to nhỏ.

“Chào Dangolia. Hôm nay bọn em lên đường nên chuẩn bị hơi lâu.” Tarkhan cười tươi với chị lễ tân, phớt lờ sự có mặt của Trúc Phương.

“À, có hai cô gái này cũng muốn đến Công viên quốc gia. Sau đó đi dọc theo đoạn đường phía Bắc đến những nơi khác. Chị không biết lịch trình của nhóm cậu thế nào nhưng nếu cả hai đều đến Công viên quốc gia, em cho hai cô ấy đi cùng đi. Hai người phụ nữ đi một mình nguy hiểm lắm.”

Trúc Phương mừng thầm trong bụng. Chị tiếp viên đúng là tốt bụng, nói giúp một cách thuyết phục như vậy, cô không cần phải tốn nước bọt quá nhiều.

Tarkhan còn đang suy nghĩ, một cô gái trong nhóm đã lên tiếng phản đối: “Không được!”

Cô gái đó có gương mặt xinh đẹp, ánh mắt long lanh sắc sảo, vóc dáng cũng khá chuẩn. Trúc Phương liếc nhìn Tarkhan, tự hỏi anh ta và cô gái này có mối quan hệ gì.

“Tại sao không?” Trúc Phương hỏi.

“Xe chúng tôi đủ chỗ rồi.”

“Chúng tôi tự lái xe. Nhập đoàn chỉ là đi chung một đoạn đường thôi. Chúng tôi không phiền mọi người đâu.”

“Không phiền?” Tarkhan hỏi ngược lại. Ánh mắt nhìn Trúc Phương khích tướng. “Không sợ tôi móc túi tiền của cô sao?”

“…”

Minh Tuyền thấy tình hình không ổn, vội chen vào: “Chuyện lần trước chúng tôi có lỗi. Không tìm kĩ đã trách anh rồi. Hay là chúng tôi mời nhóm anh một bữa xin lỗi nhé. Gặp nhau là đã là duyên, không chừng sau này có thể làm bạn, anh đừng chấp nhất.”

“Bọn tôi không có tiền hay sao phải cần một bữa ăn của cô?” Cô gái đỏng đảnh kia vẫn không chịu nhường bước.

Minh Tuyền phớt lờ cô gái kia, mỉm cười với Tarkhan: “Nhóm anh có bốn nam, hai nữ. Chúng tôi cũng hai nữ. Đi chung có gì giúp đỡ nhau. Anh yên tâm, dụng cụ, thức ăn chúng tôi đều chuẩn bị đầy đủ, nhất định không phiền mọi người. Ở đây tín hiệu điện thoại kém quá, tôi chỉ sợ lúc lái xe bị lạc đường thôi. Anh là dân bản địa, đi chung với anh cảm thấy yên tâm hơn. Chúng tôi chỉ đi cùng đến công viên quốc gia. Lộ trình sau này nếu không hợp thì đường ai nấy đi. Anh thấy vậy được không?”

“Chỉ đi đến Công viên quốc gia thôi. Đường sau này các cô tự đi.” Tarkhan nói ngắn gọn, cũng chẳng hề tỏ thái độ thân thiện.

Anh cất hành lý của mọi người vào một chiếc xe Jeep. Lều và túi ngủ được cột trên nóc xe.

Hai chiếc xe lần lượt rời đi. Trúc Phương đánh tay lái, rẽ ra đường chính, miệng than thở:

“Ba lần rồi. Tao gặp thằng đó ba lần rồi Tuyền! Bất quá tam phải không? Sao tao vẫn còn gặp nó suốt chặng đường sắp tới?”

“Tao thấy anh ta là người đàng hoàng. Mày đừng gây sự thì sẽ không có chuyện gì.”

“Bộ tao hay đi kiếm chuyện với người khác lắm sao?”

Minh Tuyền mở cửa kính xe, gió tràn vào trong khoang lái mát rượi. Cô cũng chẳng buồn trả lời. Cá tính của Phương, nói một cách tượng hình, giống như một cái loa. Tôi chịu trách nhiệm với những gì mình nói, chứ không chịu trách nhiệm với những gì bạn hiểu. Cảm nhận mỗi người mỗi khác, không thể khiến cả thiên hạ đều thích mình.

***

Giữa trưa, xe của Tarkhan rời khỏi đường lớn, rẽ vào đường nhỏ băng qua một cánh rừng. Gọi là đường cũng không đúng vì Trúc Phương chẳng thấy biển chỉ dẫn gì hết, đơn giản họ đang chạy trên một đường mòn được tạo ra bởi những phương tiện đã chạy trước đây. Phía trước, một đàn ngựa đang cúi đầu ăn cỏ, chẳng thấy bóng dáng người chăn dắt đâu.

Chạy thêm chút nữa, cô thấy đằng xa lác đác nổi lên những chiếc lều ger đặc trưng của người Mông Cổ. Nghe tiếng xe bên ngoài, một vài người trong lều ló đầu ra. Tarkhan hạ cửa kính, vẫy tay chào họ.

“Tarkhan đến rồi! Tarkhan đến rồi!” Một người đàn ông tóc điểm bạc mừng rỡ chạy đến.

Trúc Phương và Minh Tuyền xuống xe, bước đến chào hỏi. Người đàn ông Mông Cổ ngoài năm mươi tuổi, làn da ngăm đen sạm nắng, lúc nói chuyện gương mặt hằn lên từng đường rõ nét. Ông nói chuyện có khẩu lực, câu nào câu nấy ngắn gọn mà hào sảng, trên môi luôn nở nụ cười. Tarkhan chuyển sang tiếng Anh để những người khác dễ giao tiếp. Thì ra ông là tộc trưởng của những hộ gia đình ở khu vực này. Công viên quốc gia Gorkhi Terelj rất lớn, có nhiều cộng đồng gia đình khác sống rải rác ở đây. Nhưng đại gia đình của họ là ở đây lâu nhất, thường tiếp xúc với các du khách nhiều nhất. Tarkhan bảo mọi người gọi ông là Yargui.

“Bữa trưa đã chuẩn bị. Mọi người sắp xếp đồ đạc trước rồi dùng bữa trưa!” Ông niềm nở giơ tay chỉ về hai cái lều đã chuẩn bị sẵn.

“Có thêm hai người đi cùng. Ông còn đủ chỗ không?” Tarkhan chợt hỏi.

Ông gật đầu: “Đủ chứ. Đủ chứ. Mỗi lều có bốn giường. Bốn cậu một lều. Bốn cô một lều. Vừa đủ!”

“Tôi không muốn ở chung lều với bọn họ!” Cô gái đó vẫn là người đầu tiên phản đối. Trúc Phương chau mày, kiếp trước mình có giật chồng cô ta hay sao mà tự nhiên lại có thành kiến dai dẳng với mình như thế.

“Ông còn lều trống nào khác không? Chúng tôi sẽ thuê một lều khác, hai giường thôi!” Trúc Phương mỉm cười, hai tay lay lay vạt áo ông, cơ chừng đã quen biết rất thân.

Ông lão xem đó là bình thường, xem chừng thật sự coi cô như đứa con gái nhỏ.

“Đứa bé gái này dễ thương quá. Mấy tuổi rồi?”

Trúc Phương bật cười. “Ông đoán xem?”

“Chắc 16, 17, bằng con gái út của ta.”

Trúc Phương cười càng đậm, cũng không phản bác. Tarkhan đứng bên cạnh mím môi, nét mặt hoang mang.

Ông quyết định rất nhanh: “Có thể sắp xếp một lều nữa cho cháu. Chỉ cần chuyển hai cái giường ở lều lớn qua là ở được.”

Thấy Trúc Phương gật đầu mừng rỡ. Ông Yargui cười vui vẻ, nhanh chóng đi vào một chiếc lều nhỏ cách đó không xa.

Trúc Phương cũng đi về xe lấy đồ. Lúc đi ngang cô nàng khó chịu kia, Trúc Phương lạnh lùng liếc một cái thật sắc. Cảnh cáo lần một.

Cô nói với Minh Tuyền: “Đi du lịch mà gặp mấy thứ này phải cẩn thận, đã hẹp hòi thì thôi, coi chừng còn nham hiểm đâm sau lưng nữa. Có cơ hội, tao phải dạy cho nó một bài học.”

“Nhờ nó hẹp hòi mà yên ổn đấy. Thử nghĩ mày mà ở chung lều với nó, chắc cháy nguyên một khu.”

Trúc Phương im lặng, lát sau đáp: “Vậy vẫn còn nhẹ.”

***

Ger trong tiếng Mông Cổ nghĩa là nhà. Dân du mục Mông Cổ thường dựng lều ger ở bất cứ đâu mà họ đến, bài trí, sắp xếp như một căn nhà đúng nghĩa. Mỗi lều có một chức năng riêng, lều để nấu ăn, lều để ngủ, lều để vật dụng. Tất cả ger đều có thiết kế hình tròn, được dựng lên bằng những cây cột gỗ chắc chắn, bao quanh bởi da hoặc nỉ vì chất liệu này có thể giữ ấm về đêm. Mái vòm nhô lên ở đỉnh, thông với một ống khói ở chính giữa lều. Ban đêm trời lạnh, chỉ cần bỏ than vào trong lò sắt, đóng nắp lại, hơi ấm sẽ toả ra xung quanh. Một căn lều đường kính khoảng sáu đến tám mét, có thể kê bốn đến sáu chiếc giường đơn.

Tarkhan đã sớm liên lạc với ông Yargui đặt sẵn hai cái lều cho nhóm bọn họ. Mùa này chưa phải là mùa cao điểm du lịch, nên vẫn may còn dư một cái lều dự phòng. Lão nói, có rất nhiều khách du lịch đến tham quan bất chợt, đều muốn thuê lều để ngủ qua đêm. Vì vậy, lão luôn chuẩn bị sẵn một, hai cái lều trống. Khách có tới chỉ cần dọn dẹp một lát là có thể ở.

Bàn ăn được đặt trong lều lớn của các chàng trai. Ông trải vài tấm da thú sờn cũ dưới đất cho mọi người ngồi, còn bản thân liên tục ra vào nhà bếp đem hết món này món nọ lên. Trúc Phương và Minh Tuyền cũng vui vẻ đi theo phụ ông. Chẳng mấy chốc, trên bàn đã chật kín thức ăn.

“Chỗ chúng tôi chỉ có bấy nhiêu. Mọi người đừng chê!” Ông chùi chùi hai bàn tay dính mỡ vào vạt áo, nở một nụ cười khiêm tốn.

“Đây là bữa ăn hoành tráng nhất trong cuộc đời của con đó. Cảm ơn ông Yargui!” Trúc Phương chắp tay, cúi người cảm ơn ông.

Ông lão cười càng đậm, vỗ vỗ vai Trúc Phương rồi rời khỏi.

“Xuỳ, ra vẻ thân thiện gì chứ!” Cô gái kia lại lên tiếng.

Tarkhan nhìn một lượt quanh bàn nói: “Mấy ngày tới sẽ gặp nhau nhiều. Mọi người giới thiệu về bản thân chút đi.”

“Anh giới thiệu trước đi.” Trúc Phương nói.

Tarkhan nhìn cô, ánh mắt cụp xuống, rồi nhìn sang hướng khác. “Tôi tên Tarkhan. Ba mươi hai tuổi. Người Mông Cổ.”

Anh nói ngắn gọn, rồi im bặt.

“Tarkhan gì? Anh phải giới thiệu họ tên chứ.” Trúc Phương lại hỏi.

“Gọi là Tarkhan được rồi!”

Anh nhìn cô. Không ai lên tiếng. Mấy giây sau hất cằm về phía cô, ý nói “Đến lượt cô.”

“Gọi tôi là Phương. Ba mươi tuổi. Người Việt Nam.” Cô bắt chước thái độ của anh, nói đúng những gì anh nói.

Minh Tuyền tiếp tục. “Tôi tên Tuyền. Ba mươi tuổi. Cũng người Việt Nam. Lần này đi du lịch tới Mông Cổ, không ngờ gặp được nhóm mọi người. Có thêm bạn sẽ vui hơn.”

“Nhìn hai cô trẻ vậy mà ba mươi rồi? Tôi cũng gần ba mươi đấy. Tôi tên là Vỹ Thành, người Bắc Kinh. Tôi làm việc trong showbiz, công ty của tôi quản lý rất nhiều nghệ sĩ mới nổi.”

Vỹ Thành nhàn nhạt cười, có vẻ anh rất tự hào về lai lịch của bản thân.

“Tôi là Vỹ Kì , em song sinh của Vỹ Thành. Tôi đang học năm cuối khoa nhiếp ảnh của học viện nghệ thuật Bắc Kinh.”

“Vậy sao? Tôi nghe nói trường đó đầu vào rất khó. Tài chụp hình của cậu chắc là vô cùng xuất sắc rồi. Tôi có máy ảnh nhưng chụp tuỳ hứng. Lát nữa có thời gian, cậu chỉ tôi một chút được không?” Minh Tuyền nhìn Vỹ Kì , nói rất nghiêm túc. Cậu ta cũng mỉm cười gật đầu.

Vỹ Thành và Vỹ Kì  trông rất giống nhau, nhưng kiểu tóc và cách ăn mặc khác nhau. Vỹ Thành mặc áo sơ mi phi bóng, quần tây, kiểu tóc chải chuốt thời thượng. Vỹ Kì mặc áo thun trắng, khoác một chiếc sơ mi màu xanh đậm, quần kaki thoải mái, tóc dài qua tai, cột phân nửa phía sau trông rất lãng tử.

Cô gái đối diện lên tiếng: “Còn em là Hân Nghiên, hai mươi hai tuổi, đang học ngành Quản trị kinh doanh. Đây là lần đầu tiên em đi du lịch xa vậy, được quen các anh chị thật vui quá!”

Hân Nghiên có gương mặt trái xoan, ngũ quan cân đối, chỉ cần nhìn qua đã thấy ấn tượng.

Hân Nghiên quay sang cô bạn bên cạnh, thấy cô ta chỉ lạnh lùng gắp thức ăn, không có ý định giới thiệu với mọi người. Hân Nghiên cười xòa nói: “À đây là Lộ Khiết, bạn thân của em. Bạn ấy là hoa khôi của Học viện điện ảnh Bắc Kinh đấy. Sau này, chắc chắn sẽ trở thành một ngôi sao lớn!”

“Đúng, đúng! Lộ Khiết của chúng ta là giỏi nhất!” Vỹ Thành quàng tay qua vai Lộ Khiết, nhìn cô dịu dàng.

Cuối cùng, người đàn ông ngoại quốc lên tiếng: “Tôi tên Raymond, người Mỹ. Tôi già nhất nhóm này rồi, chắc không cần giới thiệu tuổi nữa đâu.” Anh cười tươi, gương mặt toát lên vẻ nam tính phong trần.

Minh Tuyền liếc nhìn Raymond. Người đàn ông này chắc gần bốn mươi. Tóc màu nâu vàng, tuỳ ý vuốt ngược ra sau, không chải keo. Đôi mắt màu xanh pha xám, tuy không quá đặc biệt nhưng chất chứa một cảm xúc gì đó khiến cô cảm thấy tò mò. Raymond là người cao to nhất nhóm, chừng một mét chín. Bàn ăn rất thấp nên cô có thể quan sát toàn bộ thân trên của anh, săn chắc và gọn gàng.

Minh Tuyền vô thức nhìn lên, bắt gặp ánh mắt của Raymond đang “chỉ điểm” sự dò xét của mình. Cô nói cụt ngủn: “Rất ngon.”

Anh hơi ngạc nhiên: “Cô nói gì?”

“Rất ngon” Cô lặp lại, vẫn nhìn anh, cố tình dừng một chút. “Đồ ăn rất ngon.”

Raymond cười, không đáp trả, biết cô đang kiếm chuyện.

“Chứ anh tưởng tôi ám chỉ gì?”

“…”

Minh Tuyền mỉm cười, không tiếp tục khích tướng, trong đầu đột nhiên nghĩ ra rất nhiều việc muốn làm trong những ngày sắp tới.

Sau một hồi nói chuyện, Minh Tuyền và Trúc Phương mới biết, nhóm của Vỹ Thành ban đầu chỉ có bốn người, đến Ulan Bator cách đây ba ngày. Họ là du khách Trung Quốc, không thông thạo đường đi nên cũng hỏi cô tiếp tân tìm giúp họ một hướng dẫn viên du lịch. Vừa hay, Tarkhan và Raymond lại đến ở khách sạn vào ngày hôm sau. Cô tiếp viên khá thân với Tarkhan vì lần nào anh đến Ulan Bator cũng ở khách sạn này. Lần này không như những lần trước, anh chỉ dẫn theo một người bạn. Vì thế cô tiếp viên thuyết phục anh cho nhóm Vỹ Thành đi cùng. Vỹ Thành hào phóng trả một số tiền lớn để anh làm hướng dẫn viên nhưng Tarkhan đã từ chối. Mục đích của chuyến đi lần này không phải để du lịch. Raymond nói, dù gì họ cũng đi theo lịch trình của chúng ta, cho họ đi có thêm người trò chuyện, Tarkhan lại được trả thêm tiền, không nên từ chối. Cuối cùng, Tarkhan cho bọn họ đi cùng, nhưng không nhận tiền. Anh nói, hướng dẫn viên phải làm theo sự yêu cầu của khách hàng, lần này anh có việc riêng, muốn đi cùng thì đi, nhưng điểm đến là anh lựa chọn.

Lộ Khiết vẫn luôn dùng tiếng Trung để trò chuyện cùng những người khác. Tuy không tham gia vào câu chuyện nhưng nhìn thái độ của Tarkhan và Raymond, Trúc Phương biết họ đều hiểu được tiếng Trung. Lộ Khiết quả là kiểu người vừa hẹp hòi vừa cứng đầu, nhất quyết vạch rõ ranh giới trên bàn ăn với Trúc Phương và Minh Tuyền.

Trúc Phương không tỏ thái độ, vẫn cặm cụi ăn, thỉnh thoảng quay sang nói chuyện với Minh Tuyền về các món ăn. Lộ Khiết trong lòng khẳng định hai người kia không hiểu tiếng Trung nên càng nói càng hăng.

“Con nhỏ đó vừa lùn vừa xấu, ăn nói điêu ngoa, không biết sao anh Tarkhan cho nhập nhóm. Muốn đi thì tự đi một mình đi, còn van xin đi theo chúng ta làm gì, đúng là vô dụng.”

“Nhỏ kế bên cũng vậy, mặt mày lạnh lùng, lúc cười thì quá giả tạo. Năng lực diễn xuất tệ như vậy, không có khả năng thi vào trường tớ đâu.”

Vỹ Thành ngồi kế bên chỉ gật đầu phụ hoạ. Anh chàng này dường như đang theo đuổi Lộ Khiết, dù cô nàng nói gì cũng đều gật đầu phụ hoạ để lấy lòng cô.

Hân Nghiên và Vỹ Kì không phản ứng, có lẽ đã quen với dáng vẻ mỉa mai người khác của Lộ Khiết.

“Con nhỏ kia đeo dây chuyền và vòng tay của hãng Gucci phải không. Nhìn qua đã biết là hàng nhái! Nhìn ngược nhìn xuôi, càng không thấy cùng đẳng cấp. Ngồi ăn chung bàn khó chịu quá!”

Lúc này Hân Nghiên nói: “Khiết Khiết à, mình thấy chị ta cũng xinh đẹp mà, nói chuyện rất lịch sự. Thật ra hai người bọn họ có đắc tội gì cậu đâu, chỉ là có chút hiểu lầm với anh Tarkhan thôi. Họ cũng xin lỗi rồi mà!”

“Cái gì mà hiểu lầm? Chỉ có dân vô học mới cư xử như vậy. Tớ mà…”

Lộ Khiết chưa nói hết câu, Tarkhan đã hắng giọng: “Chuyện qua rồi. Tôi không giận, cô giận cái gì. Lúc ăn đừng nói nhiều.”

Hôm đó ở chợ đen, Tarkhan đã nghe Trúc Phương nói tiếng Trung với lão già ăn vạ. Anh cũng biết rằng, nãy giờ cô không lên tiếng là đang chờ thời cơ. Vì thế mới ngăn Lộ Khiết lại.

Cô nàng vẫn cứng đầu: “Em tức thay anh thôi. Cô ta xảo quyệt như vậy, đi chung đoàn với chúng ta, lỡ lấy cắp đồ thì sao. Anh cũng biết đó, em mang toàn đồ hiệu…”

Trúc Phương dằn cái muỗng xuống bàn, quay mặt nhìn chằm chằm Lộ Khiết. Cô gái có chút hoảng hồn, nhưng rất nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tiếp tục đấu khẩu: “Nhìn cái gì mà nhìn, có hiểu gì không mà nhìn?” Trúc Phương gằn giọng: “Miệng thối như cứt!”

Chương 4

Full truyện


Những điều thú vị về Mông Cổ

Ger – lều truyền thống Mông Cổ

Tính cách người Mông Cổ

Ở đây chủ yếu nói về phần phía tây Nội Mông, vì nguời dân từ Xích Phong trở về đông nói tiếng Đông Bắc. Mặc dù là khu tự trị nhưng hiện nay người Hán chiếm đa số. Thể hình ngưòi Mông Cổ thô khoẻ, mặt rộng tai lớn, con mắt như có thần, trán nhô, tóc quăn, tiếng nói kêu vang, cánh tay dài hơn nguời, trông uy vũ nhưng là cái dũng của kẻ thất phu. Có tấm lòng thiện lương, đôn hậu với người, tính cách sảng khoái, dám yêu dám ghét, ít có đường ngang ngõ tắt, uống rượu khoẻ, rất nhiều ngưòi đã Hán hoá. Ngưòi Hán ở phần tây Mông cổ rất giống ngưòi Tây Bắc dù đựoc gọi là Hoa Bắc, tiếng nói có màu sắc Tây Bắc, thật thà, an phận thủ cựu, không làm quan và buôn bán được. Bao Đầu, Hô Hoà Hạo (thành phố gang thép lớn của Trung Quốc và thủ phủ của Nội Mông) chủ yếu là ngưòi Hán di dân tới, không có nền tảng văn hoá gì.