Ngày 2: Tham quan vườn quốc gia Krka
Từ Split, không có xe bus địa phương chạy trực tiếp tới vườn quốc gia Krka. Trước khi đi, mình đã mua một tour trên GetYourGuide (giá 26.2 Euro) bao gồm xe 20 chỗ chở đến Skradin và hướng dẫn viên cho đoàn. Giá tour chưa bao gồm giá vé vào tham quan vườn quốc gia nhé, tới nơi bạn phải mua riêng. Vào tháng 10, giá vé chỉ còn 75 Kunas/người thôi, bao gồm vé thuyền đi từ Skradin đến vườn quốc gia. Từ bến tàu đến vườn quốc gia mất nửa tiếng đi thuyền, mỗi chuyến cách nhau 1 tiếng. Xe của mình chờ ở Skradin nên du khách phải tự tính toán thời gian hợp lý để không bị trễ chuyến tàu về lại Skradin.
Ở vườn Quốc gia Krka, cảnh quan hùng vĩ nhất là dãy thác nước Skradinski bao gồm 17 dòng lớn nhỏ khác nhau, tổng chiều dài 800m, cao 45m. Dòng nước nơi đây rất trong, đến cả cá cũng lội từng đàn ở những khúc cạn nhất. Đi hết một vòng quanh vườn quốc gia mất khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng tuỳ vào tốc độ và thời gian chụp hình của mỗi người. Thật sự mà nói, nơi đây thích hợp để trekking hơn là nơi để ồ quào vì sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đất nước Croatia tách ra thành một quốc gia độc lập từ năm 1991. Trải qua 28 năm, điều đẹp nhất mà người dân nơi đây đã và đang thực hiện đó là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của họ một cách chu đáo nhất.
Nghe chị HDV nói, những người được bán hàng trong vườn quốc gia là con cháu nhiều đời của những người đã từng ở nơi này nhiều thập kỉ trước. Tổ tiên của họ xây nhà, làm việc, sản xuất hàng hoá, giao thương với những người từ vùng khác tại nơi đây. Vì vậy đến giờ vẫn còn nhiều lưu lại nhiều di tích xưa. Nhà nước Croatia vì muốn mua lại toản bộ lãnh thổ nằm trong khu vực vườn quốc gia nên đã trả cho họ một số tiền để họ có thể mua một căn hộ gần đó (nhưng không nằm trong khuôn viên của vườn Quốc gia). Hơn nữa, Nhà nước còn cho phép gia đình của họ mở những quầy bán đặc sản (mật ong, trái cây sấy) ở đây để kiếm sống. Cứ một tuần thì có khoảng 5-6 người đại diện 5-6 hộ dân đến mở sạp bán, tuần sau lại đổi cho gia đình của những người khác. Nếu thế hệ sau của họ không thích buôn bán như thế, họ cũng có thể trao lại quyền này cho người thân trong dòng họ (cháu), miễn là có quan hệ huyết thống. Cá nhân mình thấy chính sách này rất nhân văn, vừa giúp gia đình người dân có thêm thu nhập, vừa cho họ đặc quyền được làm việc trên mảnh đất mà tổ tiên của họ đã từng sinh sống.
Họ bắt một tấm gỗ lớn nối vào hai tường đá như một cái gác, cách trần nhà nửa mét, để tất cả thành viên trong gia đình ngủ chung với nhau trên đó. Vào thời đó, để sống sót qua mùa đông là một điều cực kì tàn khốc, vì vậy mọi người luôn quây quần bên nhau, đặc biệt là lúc ngủ để cùng sưởi sấm cho nhau.
Mình hỏi: “Nếu tất cả vợ chồng con cái đều ngủ chung thì làm sao vợ chồng có không gian sinh hoạt riêng?”
Chị HDV lúc ấy còn chưa hiểu ý, nên nói rằng nơi đây chỉ để ăn uống ngủ nghỉ cùng nhau, bên ngoài có một nhà vệ sinh, sau khi tắm rửa, họ sẽ mặc đồ ngủ rồi mới vào nhà ngủ.”
Lúc đó mình còn suy diễn trong đầu, ơ không lẽ họ làm chuyện ấy trong toilet luôn hay sao? Thế là có một cô người Ấn Độ trong đoàn tủm tỉm cười, giải thích với chị HDV là “Ý của cô gái là làm sao họ sản xuất ra em bé đó!”
Chị HDV cười cười nói: “À, ngoài cánh đồng nơi mọi người làm việc có một nhà chòi nhỏ, để nghỉ ngơi và ăn uống giữa giờ. Nếu các cặp vợ chồng có nhu cầu, họ sẽ ra đó giải quyết.”
Người xưa còn biết giữ ý tứ thế, chẳng bì với người hiện đại, cứ vịn vào “bản năng con người” mà gặp đâu phang đó… Thật chẳng biết, người nào hiện đại hơn người nào!
Ngoài những cối xay ngô khổng lồ, họ cũng tự làm một cỗ máy rèn sắt. Sắt sau khi được nung nóng sẽ được ngâm trong dầu ô liu (chứ không phải nước) để giữ được độ dẻo của nguyên liệu. Tại nơi đây, mình cũng học được cách mà họ lập nên một bản hợp đồng giao thương giữa hai cá nhân khi giấy bút và chữ viết chưa ra đời.
Mỗi khúc gỗ tượng trưng cho một bản hợp đồng. Ví dụ, sau khi người mua đặt hàng 15 bao bột ngô, người sản xuất sẽ gạch lên khúc cây 15 đường ngang dọc khác nhau, sau đó họ chẻ đôi khúc gỗ, mỗi bên giữ một khúc. Hẹn vài ngày sau quay lại lấy. Vài ngày sau khi quay lại, họ sẽ đưa nửa khúc gỗ cho người bán, nếu nửa khúc này khớp với nửa khúc kia thì đấy chính xác là hợp đồng giữa hai bên. Vào ngày đến lấy hàng, các thương nhân cũng có thể hẹn nhau trao đổi muối, bột, sữa, v.v… tuỳ theo nhu cầu của mỗi người.
Ngày xưa, người ta đan đồ bằng lông cừu. Vải dày, lâu khô, để tiết kiệm thời gian, họ tự chế tạo ra một cỗ máy giặt đồ. Nước chảy vào từ các con suối xung quanh, bọt của dòng nước là nguyên liệu tự nhiên nhất để làm sạch bụi bẩn. Họ cũng dùng thêm những loại thảo mộc tự nhiên để quần áo có mùi thơm hơn. Sau khi giặt xong, nước bẩn sẽ được dẫn tới một hồ chứa khác và chảy thành dòng khác ra ngoài.
Những “bản hợp đồng” thời cổ đại. Chỉ khi nào hai nửa của thanh gỗ khít với nhau thì “hợp đồng” mới có hiệu lực. Nước suối sẽ chảy vào “máy giặt đồ” “Cỗ máy giặt đồ” của người xưa. Nước bẩn sẽ chảy ra một khu vực riêng. Bỏ hạt ngô vào cái phễu, sau đó cho động cơ chạy, bột ngô sẽ tuôn ra ở dưới máng. Những cỗ máy xay bột. Lò rèn kim loại.
Những người dân sống trong vùng này còn có thể nghe tiếng côn trùng để dự báo thời tiết. Khi loài crickets (dế) kêu càng nhanh, nhiệt độ sẽ giảm dần; kêu càng chậm, nhiệt độ sẽ tăng cao. Họ có thể nói chính xác nhiệt độ đến từng độ Celcius cơ!
Chuyến đi tham quan rừng Krka sẽ không có gì là đặc biệt nếu như không có chị HDV trình bày và giải thích cặn kẽ. Giá trị của những chuyến đi, đối với mình, là kiến thức chắt lọc được chứ không hẳn là chỉ cảnh quan đó đây.
Về đến Skradin bằng chuyến tàu lúc 2:30, mình đi lòng vòng quanh khu vực công viên cho trẻ con. Thật sự muốn chơi xích đu lắm luôn nhưng ngồi không vừa cái ghế, đã vậy còn bị ánh nhìn soi mói của bọn trẻ con bao vây, thế là ra bờ hồ làm ngầu với mấy chiếc mô tô vậy!
Ngày mai mình lại tiếp tục hành trình khám phá thành phố cổ Trogir, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Thật sự ưng một câu nói “Kiến thức của con người được tích góp nhiều nhất qua những chuyến đi” 🙂
Các bài khác về Croatia:
Spit – Thành phố biển tuyệt đẹp ở Croatia
Trackbacks/Pingbacks