Lần đầu tiên tôi đọc Haruki Murakami là vào lúc 15, 16 tuổi gì đó. Đọc quyển Rừng Na Uy, và đọc vì tò mò. Họ nói rằng, cứ trong 7 người Nhật thì có 1 người đọc Rừng Na Uy và tôi thì không muốn nằm trong tốp 6 người còn lại, mặc dù mình không phải là người Nhật. Đến tận bây giờ tôi vẫn không còn nhớ nhiều chi tiết về nhân vật, cốt truyện của cuốn tiểu thuyết ấy, nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi là vô-cùng-ghét. Mỗi lần lật giở một trang là cảm giác chán ngán chực trào trong lồng ngực, cứ luôn tự hỏi, ông này viết cái quái gì thế này, thế này mà là tiểu thuyết nổi tiếng sao? Nhưng tôi vẫn đọc cho đến hết. À, đừng lấy điều này mà bắt bẻ tôi. Quan điểm của tôi là, bất kể chúng ta yêu hay ghét điều gì, cũng phải biết tại sao mình yêu, tại sao mình ghét. Cho nên tôi phải đọc hết, để giải thích với những người bất đồng quan điểm về những gì mà tôi không hài lòng.

Ấn tượng của Rừng Na Uy ám ảnh tiêu cực tới nỗi, suốt 10 năm trời mua sách ở bất cứ đâu, hễ thấy tên Murakami là tôi né, né triệt để.

Thế rồi có một ngày, tôi cũng đặt mua 1Q84. Không vì lí do gì, chỉ nghĩ là tôi của 10 năm về trước không thích Murakami, nhưng tôi của bây giờ đã khác. Cứ thử xem sao. Chỉ đặt cuốn đầu tiên, dù rằng một bộ gồm 3 quyển. Tôi đọc hết các sách nằm trên kệ, trừ 1Q84. Đó là lựa chọn cuối cùng của tôi.

Tất cả mọi thứ bạn tìm kiếm sẽ đến khi bạn không ngờ tới nhất. 

Trích “Kafka trên bờ biển”

Hôm cầm trên tay 1Q84, tôi vẫn nhớ rằng mình trong trạng thái rất mệt, thâm tâm buồn bã, chỉ muốn lạc lõng ở một thế giới nào đó đến khi vô thức chìm vào giấc ngủ. Đặt cuốn sách trên bụng, để ánh đèn vàng sáng dịu hắt trên mặt giấy, tôi bước vào thế giới của Murakami. Sở thích của tôi đối với một tác giả là văn phong cô đọng, nhiều tình tiết, tâm lý của nhân vật thể hiện qua cách họ thoại và hành động. Nói nôm na, phong cách tiểu thuyết mà tôi ưa thích phải giống điện ảnh, chứ không đãi dài tập như truyền hình. Murakami kể như truyền hình nhiều tập, nhưng hình ảnh và ngôn từ đậm chất điện ảnh. Ông không chú trọng vào nhịp độ của tình tiết, mà tập trung vào tâm lý nhân vật và thế giới xung quanh nhân vật nhiều hơn. Khi nhân vật của ông ở trong trạng thái thâm trầm, ưu tư hay hoài niệm thì phong cảnh được phủ một lớp màu vintage, đến chuyển động của cây cối, thanh âm của sự vật xung quanh cũng xốn xang nặng trĩu. Còn khi họ vui tươi hi vọng, cảnh sắc đột nhiên sáng bừng, đến cả một nhân thể hữu hình cũng cảm nhận được ánh sáng vô thực trong thế giới ảo ảnh ấy chiếu vào, nhẹ nhàng từ tốn dát viền trên da thịt. Tiếc là, bút lực yếu kém của tôi không thể nào diễn tả được hết cái đẹp được trau chuốt đầy dụng ý mà Murakami đã kiến tạo trong thế giới của ông. Tôi cứ lật giở miệt mài, đến khi được già nửa cuốn sách thì đã nửa đêm. Tạm đóng sách lại, tôi dặn lòng phải đọc chậm hơn, từ từ suy ngẫm.

Không có điều gì sai với việc trông không giống thứ gì đó. Nó chỉ có nghĩa là bạn không hợp với bất kì khuôn mẫu nào.

Trích 1Q84

Không biết bạn đã từng có cảm giác như tôi không, đọc một quyển sách hay thì không muốn dừng lại, nhưng cứ luyến tiếc sợ đọc xong nhanh quá, thì lại không còn gì để trông chờ, để thưởng thức. Sau khi đọc xong một tác phẩm xuất sắc, bạn tự dưng trở thành một độc giả khó tính hơn, cứ nấn ná chọn lựa, âm thầm so sánh những cuốn sách sau đó với quyển mà đã thành tiêu chuẩn trong đầu mình, cho nên vô tình đánh mất cái trực cảm khách quan phải có khi đọc.

Tôi chỉ đang đọc tới quyển 2 và vẫn không biết phải review thế nào cho đúng là review, vì tôi chưa nắm bắt được cốt truyện, tưởng đã biết nhiều nhưng càng đọc lại càng thấy mông lung. Rất nhiều câu thoại và hình ảnh trong 1Q84 đều là ám ngữ và ẩn dụ. Bạn đọc một tiểu thuyết đến hơn nửa cuốn đã lờ mờ đoán ra cái kết sẽ như thế nào, nhưng với Murakami là điều hoàn toàn không thể. Chúng ta chỉ có thể mặc sức để ông thôi miên, dẫn dắt, mỗi lần mở mắt là một phong cảnh hoàn toàn mới, và chính bạn cũng không biết rằng đến khi nào lần mở mắt cuối cùng mới cho phép bạn trở về thực tại.

Ngay cả khi bạn có thể quay ngược thời gian, bạn cũng không thể kết thúc được nơi đã bắt đầu.

Trích 1Q84