Một người phải hoàn toàn không biết về sắc đẹp, trí tuệ, lòng thiện của mình, mới là đáng quý. Một khi đã biết, phẩm vị sẽ tự động hạ xuống một bậc. Giống như hoa dành dành chẳng hay mình thơm ngát chừng nào, hoa lan đâu biết mình u tĩnh ra sao. Bẩm sinh, trời cho, xưa nay không cần phát biểu và giải thích.
Trích “Bẩm sinh”
Những ngày mưa dầm rả rích, lười bước ra đường, ngẫu hứng chọn bừa một hủ trà khô, mặc kệ là vị gì, pha một bình trà nóng, đốt chút nến thơm, cuộn người trong chăn đọc An Ni Bảo Bối là tuyệt vời nhất.
Những tác phẩm của An Ni Bảo Bối đều là “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”. Tôi đọc Xuân Yến lần đầu tiên, liền mê mẩn lối viết này. Những nhân vật của An Ni viết ra đều có dáng hình, suy nghĩ, cảm nhận, đời sống nội tâm phong phú. Văn phong của cô thường thiếu chủ ngữ, bắt đầu một câu bằng động từ nhưng đọc hết một câu vẫn không thấy cộc cằn, cụt ngủn. An Ni giỏi nhất là diễn tả suy nghĩ, mâu thuẫn của nhân vật như thể những con người đó đã là xương thịt và họ quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Tôi cũng đặc biệt thích cách so sánh của cô, đôi khi thực tế, đôi khi phóng đại trào phúng, làm mình phải đọc tới đọc lui, cố thử nghiền ngẫm ý nhị của tác giả từ nhiều góc độ khác nhau, cuối cùng kết luận “À, cũng đúng thật!”
Truyện mới nhất vừa xuất bản là cuốn Gấm hoa giữa đời. Có những cuốn sách chỉ vừa đọc cái tựa, chúng ta có thể lờ mờ đoán ra sự kiện chính trong tác phẩm là gì. Có những cuốn, dù đọc xong đến trang cuối cùng, vẫn mơ hồ không biết mối quan hệ tương quan giữa tựa sách và nội dung. Xuân yến hay Gấm hoa giữa đời là những cuốn như thế.
Cuốn Gấm hoa giữa đời không phải là một truyện dài mà chỉ là tập hợp nhiều tản văn mà An Ni đã viết trong nhiều năm qua. Những gì được viết lại thành câu chữ đều là nội tâm, kí ức, cảm nhận, thế giới quan của cô. Có lẽ đó là những tinh hoa mà cô chắt lọc lại từ chính bản thân mình. Đối với An Ni, chúng quý như gấm như hoa, như chính sự trân trọng đến tôn sùng những giá trị xưa cũ của cô được thể hiện triệt để qua từng nhân vật, qua mỗi câu từ.
Trong lãnh thổ của sinh mệnh, chúng ta chỉ là những đứa bé ngay ngô khờ khạo, còn sinh mệnh mới là người lớn, tay cầm kẹo ngọt hay thuốc độc, cùng ta chơi trốn tìm. Chúng ta và sinh mệnh nô đùa trong gian phòng thân thang tối om. Đối theo bước chân người lớn dọc hành lang thăm thẳm lặng phắc, Muốn bắt được sinh mệnh, danh lấy bí mật nó giấu trong tay. Bên người là từng cánh cửa đóng chặt, có lúc một cánh bên trái mở ra, có lúc một cánh bên phải mở ra, hoàn toàn không nắm được quy luật. Bạn sục sạo khắp ngóc ngách trong phòng, Phát hiện có những cánh cửa dễ đẩy ra, có những cánh lại chưa từng hé mở. Trò chơi trốn tìm giữa bạn và người lớn kia đã vây khốn bạn bên trong. Không thể kết thúc. Những nô đùa chạy đuổi mải miết không có kết quả ấy cuối cùng khiến bạn hiểu ra quy luật giữa đôi bên. Biết được có những cánh cửa không thể chạm vào. Có những nơi không thể đi đến. Có những kỳ vọng không thể chiếm hữu. Có những câu hỏi không có đáp án. Có những giằng co không thể giành thế chủ động. Đã dùng hết sức lực để lần lượt đẩy thử từng cánh cửa. Giờ mới hiểu, có lẽ điều mình phải chọn chỉ là chờ đợi với tư thế nào. Có những cánh cửa nếu không mở được, nó không phải con đường của bạn. Có những cánh cửa dù mở toang, cũng chưa chắc là con đường của bạn. Thôi chơi trốn tìm với người lớn trong bóng tối. Đành nhận thua, chẳng ai thắng nổi sinh mệnh đã. Vào khoảnh khắc giảng hòa cùng sinh mệnh, con người mới đạt được sự tôn trọng và nhún nhường triệt để. Nhờ đó, bạn điềm tĩnh thản nhiên phi thường.
Trích “Cổng lớn”
Khi con người có được tự do thì chính tự do lại trói buộc anh ta.
Trích “Tự do”
Khiếm khuyết thường không bí ẩn như trong tưởng tượng của chúng ta, xong lại thừa dung tục và thấp kém vượt xa tưởng tượng. Cách giải quyết đơn giản nhất là giữ khoảng cách. Luôn giữ khoảng cách. Trước những sự vật đẹp đẽ, cũng nên như vậy. Có lúc bản thân cái đẹp đã là sự xa cách. Nó cần được thành toàn, chứ không phải chiếm hữu.
Trích “Khiếm khuyết”