Du học sinh Việt Nam muốn sang Đức đều phải mở một tài khoản phong tỏa ở Đức với 10.332 Euro (cập nhật vào tháng 7/2021), mỗi tháng chỉ rút được tối đa 861 Euro để trang trải sinh hoạt phí. Với số tiền này, bạn phải chi cho những khoản nào?
Tiền thuê nhà
Nếu bạn là sinh viên ở Berlin, trong quá trình làm hồ sơ, bạn có thể đăng kí để nhận chỗ kí túc xá sinh viên online qua Studierenden Werk Berlin. Lưu ý là, số lượng phòng ở kí túc xá không thể đáp ứng khối lượng sinh viên qua Berlin du học, chưa nói đến một số sinh viên thuê phòng với giá rẻ bèo, rồi cho người khác thuê lại với giá cao hơn. Bạn phải chờ ít nhất 3-4 tháng để nhận được phòng.
Nhà kí túc xá có hai loại:
- Nhà 2-3 phòng riêng, mỗi sinh viên ở riêng một phòng: giá từ 180 Euro – 240 Euro/tháng (tuỳ diện tích phòng), bao gồm điện, nước, internet. Toilet và nhà bếp sử dụng chung.
- Nhà đơn: 280 Euro/tháng, có toilet và nhà bếp riêng.
Trong mỗi kí túc xá đều có một phòng giặt đồ riêng, bạn phải mua một cái thẻ, trả tiền trước để sử dụng nó. Một lần giặt là 2 Euro, một lần sấy là 1 Euro.
Nếu bạn không nhận được nhà kịp trong kí túc xá thì đành phải mướn theo kiểu WG (một căn to gồm nhiều phòng) share nhà với nhiều người khác. Giá một phòng cho WG thấp nhất là 320 Euro, tùy diện tích, tùy khu vực. Bạn có thể tìm phòng ở những trang như WG-Gesucht, WG Berlin, Immowelt, Immobilienscout24.
Thuê nhà ở Berlin bao giờ cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất. Có tiền chưa chắc đã thuê được nhà, vì chủ nhà còn phỏng vấn, còn chọn lọc giữa bao nhiêu người đến thuê nữa. Tiền nhiều thì mới dễ thuê nha bạn ~.~
Tiền bảo hiểm
Bất cứ người dân nào sống và làm việc tại Đức đều phải mua Bảo hiểm sức khoẻ (Krankenversicherung). Có hai loại bảo hiểm dành cho du học sinh:
- Bảo hiểm tư nhân: Campusmap24, HanseMekur, CareConcept, v.v…
- Bảo hiểm công: TK.
Nhìn chung bảo hiểm tư nhân sẽ rẻ hơn bảo hiểm công một chút, nhưng mình khuyên là bạn nên đăng kí bảo hiểm công. Vì giá của bảo hiểm tư nhân sẽ tăng vùn vụt theo thời gian, sau khi bạn tốt nghiệp, rồi lúc bạn có việc làm. Một khi đã chọn bảo hiểm tư nhân rồi thì rất khó để đổi qua bảo hiểm công.
Mình sử dụng bảo hiểm của TK, trả mỗi tháng 92.30 Euro. Đa số khi bạn đi khám bác sĩ, sử dụng thẻ này thì không cần trả tiền nữa, nếu có mua thuốc men gì thì bên TK cũng sẽ hoàn phí lại một phần cho bạn.
Điện thoại
Ở Đức có nhiều hãng điện thoại như Telekom, Vodaphone, AldiTalk, 1&1, O2, v.v…
Mình sử dụng mạng của hãng Telekom, gói trả trước, chỉ 9.99 Euro/ tháng bao gồm mạng LTE. Feedback của mình là: tín hiệu tốt, nhắn tin SMS và gọi điện miễn phí với các máy xài cùng mạng, ra nước ngoài có sẵn kết nối mạng với các hãng điện thoại khác và chạy LTE ngon lành!
Phương tiện công cộng
Một khi đã có thẻ sinh viên, bạn sẽ được sử dụng tất cả các phương tiện công cộng ở Berlin (Bus, Tram, S-Bahn, U-Bahn) trong khu vực A, B, C luôn. Bạn chỉ cần đóng tiền Semester Fee 306 Euro cho 6 tháng, vị chi mỗi tháng chỉ tốn 50 Euro cho tiền đi lại thôi. Như vậy là quá rẻ luôn rồi!
Fitness
Có nhiều chỗ tập gym ở Berlin, như McFit, Fitco Fitness, Fitness First, Super Fit, v.v… những chỗ này đa số là nam nữ tập chung.
Mình thích những chỗ chỉ dành cho nữ thôi như Pink Frauen Fitness, Lady Company, Mrs. Sporty Club. Chỗ mình tập hiện giờ là Pink Frauen Fitness, đăng ký vào dịp khuyến mãi nên chỉ trả 9.99 Euro cho 6 tháng đầu, 12 tháng tiếp theo trả 19.99 Euro. Trong đây ngoài các thiết bị và phòng tự tập thì còn có phòng Sauna (xông hơi khô) và Damp (xông hơi ẩm), nước uống miễn phí, tuần nào cũng có lớp dạy nhảy và nhiều chương trình tập nâng cao khác.
Trước khi chọn chỗ fitness nào, bạn đều nên đăng ký tập thử (Probetraining) một ngày xem sao. Thường thì các chỗ sẽ không tính tiền cho Probetraining, nếu có tính cũng tối đa 10 Euro cho cả ngày.
Tiền mua đồ ăn
Đa số mình thường tự nấu ăn ở nhà nên chi phí ăn uống mỗi tháng chỉ khoảng 150 Euro. Nếu bạn ăn ở nhà hàng thì một bữa từ 10 Euro – 15 Euro. Dẫu biết là du học sinh phải nên tiết kiệm tiền nhưng ở một thành phố như Berlin mà không khám phá ẩm thực của các quốc gia từ năm châu bốn bể thì tiếc quá. Mình nghĩ mỗi tháng bạn nên đi ăn ngoài vài lần. Ăn ngon có sức mạnh giúp con người ta trở nên vui vẻ và có động lực hơn bạn ạ!
Tiền shopping
Ở Đức có những trang bán hàng như eBay và Amazon, chỉ cần lướt web thôi bạn đã tìm thấy nhiều món giá rẻ – chất lượng tốt rồi. Chưa kể còn phải sắm sửa quần áo mỗi khi các cửa hàng khuyến mãi nữa. Để tránh vun tay quá trán, mỗi tháng bạn chỉ nên để dành 50 Euro cho tiền mua sắm thôi.
Bạn thấy đấy, tính hết các khoản tiền mình liệt kê trên đây thì ít nhất mỗi tháng bạn phải xài 610 Euro rồi. Đấy là mình đã tính tiết kiệm hết mức có thể. Nếu bạn tham gia các hoạt động giải trí khác hoặc đi du lịch thì tiền còn nhiều hơn thế nữa. Vì thế, nên học cách cân đối kinh tế và chi tiêu hợp lý bạn nhé!
Các bài khác:
Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý du học Đức để tiết kiệm 20 triệu!
Feature Photo on Visualhunt.com
Bạn thiệt là tính toán, nhưng mà tui thích điều đó.
Du học sinh mà, phải tính toán để tiết kiệm thôi 😀